Website đang bảo trì. Vui lòng liên hệ nhà phát triển website để được hỗ trợ.

Báo cáo cập nhật kinh tế Việt nam tháng 9/2018

Đăng lúc 10:52:03 07/10/2018

Báo cáo cập nhật kinh tế Việt nam tháng 9/2018 - Tăng trưởng ổn định nhưng không thể chủ quan

TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH NHƯNG KHÔNG THỂ CHỦ QUAN

Tăng trưởng quý 3 cải thiện bởi một nhân tố ít ngờ đến, Xây dựng!

GDP quý 3 tăng +6.88% YoY, cao hơn mức tăng +6.73% của quý 2 và làm đảo chiều xu hướng giảm dần đều trong 3 quý liền trước. Đóng góp cho sự đảo chiều này là lĩnh vực Công nghiệp và Xây dựng với mức tăng trưởng +8.61% (quý 2 tăng +8.4%). Nông, Lâm nghiệp, Thủy sản và Dịch vụ trong quý 3 đều giảm tốc. 

Trong Công nghiệp và Xây dựng, đáng chú ý nhất là sự cải thiện của ngành Xây dựng với mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm là +9.2%. Trong khi đó Công nghiệp Chế biến chế tạo, ngành có tỷ trọng giá trị lớn nhất trong GDP đi ngang với tăng trưởng +12.1% còn Khai khoáng giảm -3.3% (quý 2 giảm -3.1%).

Sự cải thiện của ngành Xây dựng có thể xuất phát từ sự cải thiện trong giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là giải ngân đầu tư công. Quý 3/2018, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 507 nghìn tỷ, tăng +12.5% YoY, cao nhất 4 quý, trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt mức tăng ấn tượng +14.9%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của 2 quý trước đó. Vốn đầu tư tư nhân, nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất (42.5%), cải thiện nhẹ và vươn lên mức cao nhất nhiều năm, +18.8%.

Sự bù đắp của 2 nguồn vốn này cho FDI là minh chứng cho sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung hơn vào nội lực. Tăng tốc giải ngân vốn ngân sách cũng là một dấu hiệu tích cực bởi nguồn lực tài khóa đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng khi dư địa tiền tệ hẹp lại. Mặt khác, điều này cho thấy việc tháo gỡ các nút thắt trong giải ngân đầu tư công đang có tiến triển tốt.

Mặc dù sự cải thiện của ngành Xây dựng là có cơ sở nhất định, một số số liệu khác của ngành lại khiến chúng tôi băn khoăn. Thứ nhất, khảo sát hoạt động của 5300 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh của quý 3 khó khăn hơn quý 2 là 39.5%, tăng nhẹ so với quý 2 so với quý 1 là 38.6%.

Thứ hai, đó là tăng trưởng sản lượng của xi măng, sắt thép trong các tháng quý 3 không có nhiều thay đổi. Sản lượng xi măng 9 tháng tăng +9.5% trong khi 6 tháng tăng cao hơn, +10.6%. Tương tự sản lượng sắt thép thô 9 tháng tăng +36.6% thấp hơn 6 tháng là +43.7%.

Chính sách và cả May mắn đã giúp Công nghiệp Chế biến chế tạo duy trì tăng trưởng ổn định

Mặc dù đóng góp của ngành Xây dựng là đáng ghi nhận, ngành Công nghiệp chế biến chế tạo mới thực sự là bệ đỡ để có được sự cải thiện trong quý 3. Ngành Công nghiệp chế biến chế tạo có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP (18.8%) và thường có mức tăng trưởng cao trên 10% nên đã luôn là động lực thúc đầy tăng trưởng chung.

Trong quý 1 năm 2017 và quý 2 năm 2018, ngành Công nghiệp chế biến chế tạo cùng gặp một khó khăn, đó là sự giảm sút của công nghiệp Điện tử mà nguyên nhân chính là sản lượng điện thoại của Samsung. Với giá trị sản xuất rất lớn, chiếm tới 20% GDP, Điện thoại và công nghiệp Điện tử có ảnh hưởng trọng yếu đến kinh tế Việt nam.

Sau sự cố Galaxy Note 7 vào cuối năm 2016, thành công của Galaxy S8 và Note 8 đã mang lại kết quả rất tích cực cho nửa cuối năm 2017. Tuy vậy ngay cả khi Galaxy S9 đã ra đời, sản xuất Điện thoại trong năm 2018 vẫn giảm sút do Samsung thay đổi kế hoạch sản xuất. Đây là một thay đổi tương đối bất ngờ và tạo ra rủi ro lớn cho kinh tế Việt nam nếu không có được những động lực tăng trưởng mới.

Ở tình thế khó khăn đó, chính sách đúng đắn và cả may mắn đã giúp tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý 3 không sụt giảm mạnh theo đà sụt giảm của điện thoại như đã xảy ra trong quý 2.

Về chính sách, hàng loạt các quy định có tính bảo hộ với ngành sản xuất ô tô và dược phẩm đã phát huy tác dụng. Ngành sản xuất xe có động cơ liên tục có cải thiện, sau 9 tháng đã vươn lên +16.3%, cao nhất 21 tháng. Tương tự, Dược đạt +25.9%, cao nhất nhiều năm.

Về cơ may, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và việc Trung Quốc giảm sản lượng các ngành công nghiệp ô nhiễm (thép) hay nhân công giá rẻ (dệt may) đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa Việt nam. Xuất khẩu Dệt may 9 tháng tăng tới +17.1%, cao nhất kể từ năm 2015 còn Sắt thép là +51.5%, duy trì phong độ cao có được từ năm 2017.

Một may mắn khác phải kể đến là việc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động. Mặc dù nhập khẩu nguyên liệu và không xuất khẩu, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn có đóng góp kịp thời và đáng kể cho ngành công nghiệp nói chung khi tạo ra tăng trưởng tới +53.1% cho ngành sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế.

Ngay cả khi điện thoại không còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng, dấu ấn FDI vẫn còn rất đậm trong sản xuất công nghiệp, từ lọc hóa dầu Nghi Sơn đến thép Formosa. Dẫu vậy, dấu ấn của doanh nghiệp Việt nam đang dần rõ nét hơn. Thaco từ chỗ chiếm 36.8% thị phần ô tô 8 tháng 2017 đã vươn lên 39.5% trong 8 tháng năm 2018. Với tốc độ đầu tư và hiệu quả sản xuất cao, kỳ vọng khối tư nhân trong nước sẽ tăng tỷ trọng và ảnh hưởng, cân bằng lại vị thế của khối FDI trong cơ cấu kinh tế chung.

Lưu trú và ăn uống giảm sâu ảnh hưởng đến tăng trưởng lĩnh vực Dịch vụ

Lượng khách quốc tế giảm tốc nhanh đã được chúng tôi cảnh báo trong các báo cáo trước và thực tế tác động của việc này đã thể hiện rõ trong quý 3. Tăng trưởng ngành Lưu trú và ăn uống chỉ đạt +4.04%, thấp hơn hẳn quý 1 +7.6% và quý 2 +7.05%. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng ngành Lưu trú và ăn uống giảm xuống còn +5.89% trong khi cùng kỳ là +9%.

Lưu trú & ăn uống là ngành có tỷ trọng lớn thứ 4 trong lĩnh vực Dịch vụ nên sự sụt giảm của Lưu trú & ăn uống đã làm cho tốc độ tăng GDP Dịch vụ nói chung giảm xuống còn +6.87% (quý 2 tăng +7.11%). 2 ngành dịch vụ lớn nhất là Bán buôn bán lẻ và Tài chính ngân hàng bảo hiểm chỉ duy trì mức tăng trưởng xấp xỉ so với quý 2.

Chúng tôi có khá nhiều băn khoăn về tốc độ tăng trưởng thực của ngành Bán buôn bán lẻ khi tình hình lao động không có dấu hiệu cải thiện. Chỉ số lao động tháng 9 đứng ở vùng đáy 16 tháng là 3%, ngược lại, chỉ số bán lẻ (đã trừ lạm phát) lại tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm là +8.8%. Lao động và du lịch giảm tốc không phải là nền tảng tốt để có tăng trưởng bán lẻ cao.

Tăng trưởng của ngành Kinh doanh bất động sản, ngành dịch vụ đứng thứ 3, cũng chậm lại, từ mức +4.56% trong quý 2 xuống còn +3.88% trong quý 3. Trong báo cáo đây, chúng tôi đã đặt câu hỏi về tốc độ tăng trưởng cao bất ngờ của kinh doanh bất động sản trong quý 2. Với số liệu quý 3, chúng tôi cho rằng việc quay trở lại tốc độ tăng trưởng trung bình gần 4% là hợp lý với thị trường BĐS hiện nay. Tính chung 9 tháng, GDP ngành kinh doanh BĐS tăng +4.04%, xấp xỉ bằng cùng kỳ 2017 là +3.99%.

Nông nghiệp và Thủy sản cùng giảm tốc

Tăng trưởng ngành Nông nghiệp quý 3 chỉ đạt +2.2%, thấp hơn đáng kể so với nửa đầu năm là +3.28%, tuy vậy đây vẫn là mức cao so với mặt bằng chung của các năm trước. Sự giảm tốc của quý 3 vì vậy có thể coi là sự “hồi quy” của ngành nông nghiệp sau nửa đầu năm tích cực nhờ thời tiết và giá cả thuận lợi. Tổng diện tích lúa hè thu gieo cấy trong năm 2018 là 2.05 triệu ha, giảm 13.7 nghìn ha so với cùng kỳ. Do diện tích giảm, tổng sản lượng lúa giảm 47.7 nghìn tấn (-0.42%) xuống 11.2 triệu tấn.

Giá lúa sau nửa đầu năm tăng rất cao đã rơi lại xuống vùng thấp nhất của năm và xấp xỉ bằng với quý 4 của 2017. Xuất khẩu gạo đang chậm lại với khối lượng xuất khẩu trung bình trong quý 3 là 440 nghìn tấn/tháng, giảm 160 nghìn tấn/tháng (-27%) so với trung bình 6 tháng đầu năm. Đây có thể là một nguyên nhân khiến giá gạo trong nước giảm.

Điểm có thể coi là tích cực trong ngành nông nghiệp là giá thịt lợn đang ở mức cao nhất nhiều năm, giúp khôi phục lại ngành chăn nuôi lợn. Tổng đàn lợn tính đến hết tháng 9 tăng +1.8% và sản lượng lợn xuất chuồng quý 3 tăng +2.8% (cùng kỳ giảm -4.2% và -2.3%). Sự phục hồi của ngành chăn nuôi lợn đang và sẽ giúp cải thiện ngành sản xuất thức ăn gia súc trong nửa cuối năm 2018.

Nếu so với nông nghiệp thì mức độ giảm tốc của Thủy sản không phải là lớn, từ chỗ tăng +7.05% trong quý 2 giảm xuống còn +6.48%. Sự đi xuống của ngành thủy sản gắn liền với tốc độ xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu thủy sản của quý 3 là 2.4 tỷ USD, giảm -0.7% so với cùng kỳ trong khi tốc độ tăng của quý 1 và quý 2 lần lượt là +18.2% và +6.7%.

Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thủy sản chậm lại là do thị trường Trung Quốc. Đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu sau Mỹ và Nhật, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm tới -34.3% YoY% trong tháng 8 (cùng kỳ tăng +96.2%). Ngược lại, thị trường Mỹ lại đang gia tăng nhập khẩu thủy sản rất nhanh. Nếu như trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ gần như không tăng thì sang tháng 8, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã tăng tới +46%, kéo xuất khẩu 8 tháng tăng +7%.

Khai thác dầu thô giảm sâu dù giá dầu tăng

Sản lượng dầu thô khai thác tháng 9 giảm xuống chỉ còn 910 nghìn tấn, mức thấp nhất trong rất nhiều năm và giảm -14.2% YoY. Tính chung trong quý 3, sản lượng dầu thô đạt 2.9 triệu tấn, giảm -13.6% YoY. Sản lượng khí thiên nhiên cũng không có tiến triển, chỉ đạt 680 triệu m3, xấp xỉ bằng tháng 8 và thấp hơn so với trung bình 7 tháng đầu năm là 884 triệu m3/tháng. Tuy vậy do nền thấp của cùng kỳ 2017 nên sản lượng khí thiên nhiên quý 3 vẫn có tăng trưởng dương, +7.7%.

Bù lại cho sự giảm sút của dầu thô, khai thác than và sản xuất alumin có tăng trưởng tốt. Sản lượng khai thác than tháng 9 đạt 3 triệu tấn, tăng +18.4% YoY và sản lượng sản xuất alumin tăng +27.2%.

Nhờ có các khoảng sản khác, tăng trưởng ngành khai khoáng không bị giảm quá sâu. Chỉ số công nghiệp khai khoáng chỉ giảm -2% trong 9 tháng, thấp hơn nhiều cùng kỳ là -8.1%, trong đó khai thác than tăng +10.1% và khai thác dầu thô, khí đốt tự nhiên giảm -5.4% (cùng kỳ tăng +2% và giảm -10.7%).

Tựu chung lại từ số liệu vĩ mô 9 tháng, đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan hơn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 mà điểm nhấn chính nằm trong ngành công nghiệp. Nhiều ngành công nghiệp như thép, ô tô, dệt may, dược và tinh chế dầu mỏ đang có tăng trưởng cao giúp bù đắp cho sự giảm tốc của công nghiệp điện tử. Giá cả hàng hóa tăng cũng như nền thấp của cùng kỳ đã thu hẹp đà giảm của ngành khai khoáng, giúp khai khoáng không còn là gánh nặng lớn như các năm trước.

Tuy vậy, đi cùng những kết quả này là những rủi ro không thể bỏ qua. Thứ nhất, ngành nông nghiệp không còn giữ được phong độ cao như 2 quý đầu năm. Ngành nông nghiệp có giá trị lớn thứ 2 trong cơ cấu GDP nên đã luôn là “sức ỳ” với tăng trưởng nói chung. Mặc dù đã có một số thay đổi về chính sách nhằm hướng đến một nên nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn nhưng rõ ràng kết quả đạt được vẫn còn rất nhỏ. Điều này đặt ra vấn đề phải tiếp tục có sự thay đổi nhanh hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp để kéo tăng trưởng ngành lên đến 4%-5%, giảm sức ỳ cho nền kinh tế.

Thứ hai, ngành du lịch đang đối mặt với thách thức từ sự giảm tốc nhanh của khách du lịch quốc tế. Sâu xa hơn, đó là tác động của chiến tranh thương mại đến nhu cầu của thị trường Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai về hàng hóa và lớn nhất về du lịch của Việt nam. Đây sẽ là rủi ro cho không chỉ năm 2018 mà còn cả cho các năm tiếp theo.

Tăng trưởng của ngành Xây dựng, dù vẫn còn sớm để thực sự tự tin vào các con số, vẫn đưa ra một chỉ báo quan trọng. Đó là việc tháo gỡ các nút thắt trong giải ngân đầu tư công đang có tiến triển. Như đã chỉ ra trong báo cáo tháng 8, giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn trước mắt, khi đầu tư tư nhân khó có thể tăng tốc nhanh hơn và chính sách tiền tệ không nên nới lỏng.

Cùng với sự hồi phục của đầu tư công, tăng trưởng duy trì ở mức cao của đầu tư tư nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là cơ sở cho sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào FDI và tăng dần tỷ trọng của khối tư nhân trong nước.

Tốc độ đầu tư nhanh và hiệu quả sản xuất cao, khối tư nhân với sự dẫn dắt của “Đàn Sếu Lớn” hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi nhanh chóng cho nền sản xuất cũng như dịch vụ của Việt nam, tạo nền tảng cho tăng trưởng cao và bền vững trong các năm tiếp theo.

 

 

Trích nguồn: 

Nguyen Duc Hung Linh (Mr.)

Director

Retail Research & Investment Advisory

 

LIÊN HỆ: MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN - CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH - QUỸ MỞ - TRÁI PHIẾU DN

Họ và tên: NGUYỄN VĂN KHÁNH

F/zalo/viber: 0917.85.53.53 ( để tham gia room tư vấn)
Mail: dautuchienluoc88@gmail.com or Khanhnv@ssi.com.vn
Skype: Khanh.nguyen000669