Website đang bảo trì. Vui lòng liên hệ nhà phát triển website để được hỗ trợ.

Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt nam tháng 7/2018

Đăng lúc 20:36:44 12/08/2018

Tỷ giá tăng nóng, NHNN kiểm soát bằng nhiều công cụ linh hoạt

Thanh khoản hệ thống ngân hàng tháng 7 có liên hệ chặt chẽ với chính sách điều hành tỷ giá của NHNN với 4 công cụ chính (i) bán ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối; (ii) điều chỉnh linh hoạt tỷ giá trung tâm; (iii) kiểm soát cung cầu VND thông qua thị trường mở; và (iv) điều chỉnh lãi suất VND.

Trước áp lực tỷ giá, vào đầu tháng 7, NHNN đã hạ giá bán USD xuống mức rất thấp là 23.050 để hỗ trợ nhu cầu ngoại tệ cho các NHTM. Mức giá này được duy trì cho tới trước ngày 23/7. Trong thời gian đó NHNN đã bán ra một lượng ngoại tệ nhất định, tuy nhiên khối lượng này không đủ để giải cơn khát của thị trường bởi nguyên nhân trực tiếp gây áp lực lên tỷ giá không nằm ở cung cầu ngoại tệ thực tế mà ở tâm lý thị trường.

Từ ngày 23/7, NHNN ngừng bán ngoại tệ giá rẻ, ấn định tỷ giá bán USD của NHNN theo tỷ giá trung tâm với giá bán thấp hơn tỷ giá trần 50đ. NHNN chuyển sang điều tiết thị trường bằng công cụ thị trường mở để ổn định cung cầu VND, không để lãi suất VND giảm quá thấp như thời gian trước.

Tín phiếu đã được phát hành với tổng giá trị 60.000 tỷ đồng để hút tiền khỏi lưu thông. Kỳ hạn tín phiếu không chỉ có 28 và 91 ngày như trước mà đã có thêm nhiều kỳ hạn, bao gồm 7, 14, 28, 91, và 140 ngày. Lãi suất tín phiếu tăng rõ rệt, kỳ hạn 28 ngày tăng từ 1.25% lên 2.25% rồi sau đó 2.75%. Lãi suất cao nhất là của kỳ hạn 140 ngày, 3.75%. Nguồn cung nội tệ bị thu hẹp cùng lúc bằng tín phiếu, mua USD từ NHNN và việc KBNN chuyển tiền gửi từ các NHTM về NHNN. Nhờ vậy, lãi suất VND qua đêm đã đứng ở mức cao 2-4%.

Nhờ có động thái của NHNN, tỷ giá giao dịch ổn định hơn và tìm được mặt bằng giá mới. Tỷ giá tự do dần hạ nhiệt. Tỷ giá ngân hàng và tự do hiện giao dịch vào khoảng 23.250/23.330 và 23.400/23.420. Tỷ giá chính thức đã tăng 2.5% kể từ đầu năm, riêng trong tháng 7 đã tăng 1.5%. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm mới tăng 1.1% lên khoảng 22.670 khiến tỷ giá chính thức đã tiến sát trần biên độ 3%.

Xét về cung cầu ngoại tệ, thực tế giai đoạn này vẫn chưa thực sự quá căng. Số liệu thống kê của TCHQ cho thấy nhập siêu tháng 7 là 650 triệu USD, tăng so với ước tính của TCTK, từ đầu năm cả nước vẫn xuất siêu 3.1 tỷ USD. Bên cạnh đó Petrolimex sẽ ngừng nhập khẩu xăng dầu từ tháng 8 và thay vào đó mua sản phẩm từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cũng sẽ làm giảm bớt nhu cầu USD.

Trên thị trường thế giới, đồng USD vẫn duy trì ổn định ở quanh ngưỡng 95 điểm trong hơn một tháng qua. Tuy nhiên, điều mà thị trường lo ngại lại là việc đồng CNY của Trung Quốc mất giá. CNY mất giá -3.3% chỉ trong tháng 7 và -7% trong chưa đầy 2 tháng. So với VND, CNY đã mất -4.5% sau 2 tháng và -6.4% kể từ đầu tháng 4.

Nếu nhìn xa hơn về quá khứ, đồng CNY đã liên tục tăng giá từ sau khi chấm dứt neo tỷ giá vào USD vào năm 2005. CNY chỉ thực sự mất giá trong năm 2015 khi thị trường chứng khoán Trung Quốc vỡ bong bóng và tiếp theo đó là PBOC chủ động phá giá. Trong năm 2017, khi chỉ số Dollar Index giảm, đồng CNY cũng mạnh lên so với USD và giá trị đồng CNY được duy trì ngay cả khi Dollar Index tăng trở lại. CNY chỉ mất giá mạnh trong vài tháng gần đây khi chiến tranh thương mại chính thức nổ ra.

Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, CNY vẫn tăng nhẹ +0.56% so với VND. Việc chạy theo CNY để điều chỉnh đồng VND là không cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nợ nước ngoài của Việt Nam còn rất cao.

Lãi suất tăng mạnh trên thị trường trái phiếu

Trên thị trường trái phiếu, xu hướng tăng lãi suất ngày càng thể hiện rõ nét ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Kể từ đầu quý 2, kỳ vọng lãi suất của thị trường bắt đầu tăng khiến KBNN gặp khó khăn trong phát hành TPCP. KBNN buộc phải nâng dần lãi suất để có thể huy động được trái phiếu. Tuy nhiên KBNN cũng chỉ ưu tiên huy động các kỳ hạn dài, bằng chứng là lãi suất các kỳ hạn 10 và 15 năm liên tục được đẩy tăng 2-3bps mỗi phiên để thu hút nhà đầu tư, đây là 2 kỳ hạn có tỷ lệ trúng thầu cao nhất, tương ứng 70% và 50% tính từ tháng 4.

Tính tới cuối tháng 7, lãi suất trúng thầu TPCP đã tăng khoảng 50bps so với mức đáy vào cuối tháng 3, nhưng vẫn thấp hơn so với cuối năm 2017. KBNN đã phát hành được tổng cộng 90.000 tỷ trái phiếu, tương đương 45% kế hoạch cả năm. Kỳ hạn bình quân đạt 12.86 năm, trong đó hai kỳ hạn 10 và 15 năm chiếm tỷ trọng lớn nhất, tương ứng 36% và 28% tổng giá trị phát hành.

Nếu tính thêm 15.000 tỷ phát hành riêng lẻ cho BHXH, tổng giá trị phát hành 7 tháng đầu năm đạt 105.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 205.000 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017 (bao gồm 53.000 tỷ phát hành cho BHXH). Giá trị trái phiếu đáo hạn cũng giảm xuống 27.000 tỷ so với 81.000 tỷ trong 7T2017, vì vậy khối lượng phát hành ròng giảm 46.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2017.

Trên thị trường thứ cấp, xu hướng tăng lãi suất đã xảy ra sớm hơn sơ cấp và đã tăng từ tháng 2. Trong giai đoạn đầu, lãi suất các kỳ hạn dài tăng trước khiến đường cong lãi suất dốc lên.

Lãi suất các kỳ hạn ngắn 1Y, 2Y chỉ thực sự chạm đáy và bắt đầu tăng từ tháng 4 và đặc biệt tăng mạnh từ giữa tháng 7 do chịu ảnh hưởng từ biến động tỷ giá. Chỉ trong 1 tháng, lãi suất 1Y tăng tới +163bps và 2Y tăng +140bps, đẩy lãi suất các kỳ hạn về gần bằng nhau khiến đường cong lãi suất thoải hơn.

Lãi suất trái phiếu tăng không trực tiếp tác động tới các thị trường khác, tuy nhiên do thị trường trái phiếu phản ánh kỳ vọng của các thành viên thị trường trong đó có các NHTM nên lãi suất trái phiếu tăng là một biểu hiện sớm của xu hướng lãi suất ngân hàng.

Lãi suất huy động thị trường 1 giữ xu hướng giảm từ đầu năm và chạm đáy vào cuối tháng 6. Lãi suất bắt đầu tăng trở lại nhưng mới quan sát thấy ở các kỳ hạn ngắn.

Việc tăng trưởng tín dụng chậm lại và lạm phát được kiểm soát tốt là các nhân tố hỗ trợ để giữ lãi suất thị trường 1 không tăng quá cao. Tuy nhiên với diễn biến tỷ giá như vừa qua, việc sử dụng lãi suất, bao gồm cả thị trường 1 để bảo vệ tiền đồng là một khả năng không thể loại trừ.

Thị trường chứng khoán phục hồi từ đáy

Tháng 7 đánh dấu thời điểm thị trường chứng khoán chạm đáy và phục hồi. Chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài bao gồm mà lớn nhất là rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lao dốc trong nửa đầu tháng, để mất mốc 900 điểm và chạm 896.16 điểm vào phiên ngày 11/7. VN-Index sau đó phục hồi 60 điểm đạt 956.39 điểm vào cuối tháng, tăng 7% từ đáy nhưng vẫn thấp hơn 2.8% so với đầu năm.

Sự phục hồi của giai đoạn này ngoài lý do giá cổ phiếu giảm sâu kích thích sức mua thì một nguyên nhân khác là mua công bố kết quả kinh doanh. Tăng trưởng lợi nhuận nhìn chung vẫn ở mức cao, đặc biệt ở nhóm ngân hàng kéo định giá thị trường giảm về 16.4x tại mức đáy vào phiên ngày 11/7. Nếu không tính một số cổ phiếu lớn mới niêm yết từ đầu năm như VHM, TCB thì P/E của VN-Index vào khoảng 15.6x, tương đương với mức bình quân năm 2017.

Tính tới ngày 10/8, đã có 687 công ty công bố kết quả kinh doanh 6T2018 với tổng lợi nhuận tăng 29.6% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng 23% của năm 2017. Trong đó, 29 công ty nhóm VN30 tăng 23.61%. Kết quả kinh doanh tích cực được ghi nhận ở các nhóm ngành Ngân hàng, Dịch vụ Tài chính, Bán lẻ và Điện, nước, Xăng dầu khí đốt với lợi nhuận 6T2018 tăng tương ứng +53.9%, +30.5%, +33.6% và +28.7%.

Giá của một số cổ phiếu có KQKD tốt đã tăng, từ đó kéo điểm VNIndex như VCB, GAS, BID, MSN, MBB, REE và HPG. Tuy nhiên không phải cổ phiếu nào tăng giá cũng xuất phát từ KQKD như HAG, HNG, BVH, NVL đều có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Ngược lại, nhiều cổ phiếu có KQKD khả quan nhưng giá cổ phiếu tăng không đáng kể như VHM, MSN, HDB hay TCB.

Mặc dù đã tăng điểm, dòng tiền trên thị trường nhìn chung còn yếu. Các chỉ số giằng co thiếu dứt khoát với thanh khoản chỉ đạt mức trung bình 4.600 tỷ đồng/phiên, tương đương 1/2 mức giao dịch những tháng đầu năm, và thấp nhất kể từ tháng 10/2017.

NĐTNN tiếp tục bán ròng làm tăng sức ép lên thị trường. Trong tháng 7, do thiếu vắng các giao dịch mua thỏa thuận lớn, khối ngoại đã bán ròng -2.037 tỷ đồng trên cả hai sàn. Tuy vậy, lực bán khá tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC (-1.863 tỷ đồng), VHM (-393 tỷ), HPG (-342 tỷ), và MSN (-266 tỷ).

Khuyến cáo
Các thông tin, tuyên bố, dự đoán trong bản báo cáo này, bao gồm cả các nhận định cá nhân, là dựa trên các nguồn thông tin tin cậy, tuy nhiên SSI không đảm bảo sự chính xác và đầy đủ của các nguồn thông tin này. Các nhận định trong bản báo cáo này được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết và cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo này có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào. SSI và các công ty con; cũng như giám đốc, nhân viên của SSI và các công ty con có thể có lợi ích trong các công ty được đề cập tới trong báo cáo này. SSI có thể đã, đang và sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ cho các công ty được đề cập tới trong báo cáo này. SSI sẽ không chịu trách nhiệm đối với tất cả hay bất kỳ thiệt hại nào hay sự kiện bị coi là thiệt hại đối với việc sử dụng toàn bộ hay bất kỳ thông tin hoặc ý kiến nào của báo cáo này. SSI nghiêm cấm việc sử dụng, và mọi sự in ấn, sao chép hay xuất bản toàn bộ hay từng phần bản Báo cáo này vì bất kỳ mục đích gì mà không có sự chấp thuận của SSI.
 

Trích nguồn:

Nguyễn Đức Hùng Linh
Giám đốc

Lê Huyền Trang
Chuyên viên

 

Trân trọng!

LIÊN HỆ: NHẬN BÁO CÁO HOẶC TƯ VẤN ĐẦU TƯ

Họ và tên: NGUYỄN VĂN KHÁNH
F/zalo/viber: 0917.85.53.53 
Mail: dautuchienluoc88@gmail.com or Khanhnv@ssi.com.vn
Skype: Khanh.nguyen000669