Website đang bảo trì. Vui lòng liên hệ nhà phát triển website để được hỗ trợ.

Chính thức tăng giá dịch vụ cảng biển

Đăng lúc 23:49:25 03/12/2018

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư về khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Tăng từ 10 - 50% nhiều dịch vụ

Khung giá các dịch vụ cảng biển theo Thông tư số 54 do Bộ GTVT mới ban hành gần như giữ nguyên theo phương án thứ 2 đã được Bộ đưa ra lấy ý kiến các doanh nghiệp trước đó.

Cụ thể, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất tại khu vực 1 (không áp dụng đối với khu vực bến cảng Lạch Huyện) được điều chỉnh tăng 10%, từ 30 USD/cont 20’, 45 USD/cont 40’ lên 33 USD/cont 20’, 50 USD/cont 40’ (đối với dịch vụ bốc dỡ từ tàu (sàn lan) sang bãi cảng và ngược lại). Riêng đối với dịch vụ bốc dỡ từ tàu (sà lan) sang sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng và ngược lại, mức giá được điều chỉnh tăng khoảng 50%, từ 18 USD/cont 20’, 27 USD/cont 40’ lên 26 USD/cont 20’, 40 USD/cont 40’.

Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất tại khu vực Lạch Huyện và khu vực Cái Mép - Thị Vải cũng tăng 10% theo lộ trình thực hiện đến năm 2021, từ 46 USD/cont 20’, 68 USD/cont 40’ lên 52 USD/cont 20’, 77 USD/cont 40’.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ cầu, bến, phao neo đối với khách du lịch cũng được điều chỉnh tăng so với Quyết định 3946 của Bộ GTVT, từ 0,99 -1,1 USD/người/lượt lên 2,5 – 3,5 USD/người/lượt. Trước đó, khi lấy ý kiến của các DN, Bộ GTVT đề xuất mức giá này từ 5 - 15 USD/người/lượt nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện nay đang thiếu trầm trọng cảng, bến dành cho khách du lịch, việc tăng giá để các DN cảng biển bỏ tâm lý "chê" tàu du lịch là tốt nhưng nếu lập tức tăng quá cao có thể gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến tâm lý của khách du lịch.

Thêm nguồn lực để tái đầu tư

Về mức khung giá một số dịch vụ cảng, biển được xây dựng từ năm 2013 - 2014 theo Quyết định số 386, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá không còn phù hợp. Trong đó, khung giá xếp dỡ container, giá dịch vụ hành khách đối với tàu khách tại các cảng biển VN ở mức rất thấp so với khu vực.

Đơn cử, khu vực cảng Hải Phòng chỉ có khoảng 30 USD/cont 20’/lần xếp dỡ, Đà Nẵng khoảng 45 USD, TP.HCM khoảng 41 USD, trong khi ở Campuchia hiện là 65 USD, Malaysia là 52 USD, Hồng Kông lên tới 130 USD/cont 20’/lần xếp dỡ. Tương tự, mỗi hành khách khi cập cảng sẽ nộp cho cảng từ 0,9 - 1,1 USD/lượt trong khi mức giá này ở cảng biển Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông cao hơn hàng chục lần.

“Giá dịch vụ bốc dỡ container cảng thu từ hãng tàu và hãng tàu sau đó thu lại từ chủ hàng, khoản gọi là phụ giá dịch vụ xếp dỡ container tại cảng. Tuy nhiên thực tế, mức phụ giá dịch vụ này chủ tàu thu từ chủ hàng rất cao nhưng trả lại cho cảng thấp, khiến nhiều DN cảng biển không đủ nguồn để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị và nâng cao chất lượng dịch vụ. Vì thế, khung giá dịch vụ chưa hợp lý không những không giúp giảm chi phí logistics mà ngược lại còn khiến thời gian lưu hàng tại cảng, thời gian bốc xếp hàng lâu hơn vì hạ tầng tại cảng lạc hậu, gây tốn kém cho các DN vận tải”, ông phân tích.

 

Tại Hội thảo "Các giải pháp kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng, giảm chi phí logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải và khung giá dịch vụ tại cảng biển” do Bộ GTVT hồi tháng 10, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng khẳng định việc thay đổi giá dịch vụ cảng biển là quan hệ giữa nhà khai thác cảng biển và chủ tàu, không làm tăng chi phí logistics. Hiện nay các chủ tàu lãi rất lớn, thu nhiều nhưng trả cho các cảng biển của Việt Nam thấp, khiến cảng tàu lỗ, thu không đủ bù chi. Doanh nghiệp tư nhân cũng không ai dám đầu tư lớn vào cảng biển vì mấy chục năm cũng chưa thu hồi được vốn.

"Tăng giá dịch vụ cảng biển tiệm cận với giá của các nước trong khu vực sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cảng biển thoát khỏi cảnh “oằn lưng” gánh lỗ, thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này." - ông nói.

 

Nguồn: Hà Mai

THANH NIÊN