Cuộc chiến tiếp tục leo thang, sau khi tạm lắng xuống từ cuối tuần trước, dường như chính phủ Trump sẽ quyết đấu đến cùng và đã chuẩn bị mọi phương án cho cuộc chiến này.
-------------------------------------------------------------------------------
Trái ngược với phần lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư lớn không mua chứng khoán khi xác suất đạt được lợi nhuận thấp. Họ thường xem xét nhiều yếu tố từ tình hình kinh doanh của công ty đến các yếu tố vật giá, vĩ mô trước khi ra một quyết định đầu tư. Trong phương trình tính toán của nhóm nhà đầu tư này, càng có ít biến số càng tốt. Trong thị trường hiện tại, có quá nhiều biến số và nhiều sự bất ngờ khiến các nhà đầu tư lớn chưa thể xuống tiền…
Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc là một yếu tố gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư chứng khoán, cả nhỏ lẻ, lẫn tổ chức, cá nhân lớn. Sự thật là không ai ngờ ông tổng thống Trump lại có những bước đi quá nhanh đối với Trung Quốc, khác hẳn với phong cách chúng ta vẫn thường thấy ở các chính trị gia, thay vì chỉ đấu khẩu thì ông này lại hành động. Ông Trump không hề là một ông tổng thống gàn dở, đằng sau cuộc chiến thương mại là những mục tiêu rất phức tạp và có tính toán, không chỉ nhắm đến vấn đề thâm hụt thương mại mà còn cạnh tranh quyền lực và vị thế kinh tế. Để hiểu rõ vì sao dòng tiền lớn chưa tham gia vào thị trường Việt Nam lúc này, chúng ta cần phải hiểu về tính phức tạp của cuộc chiến thương mại này và những ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức bắt đầu với với việc Mỹ và Trung Quốc cùng đánh thuế lên hàng hóa của nhau với giá trị ban đầu là 34 tỷ USD. Thật ra đối với nền kinh tế GDP hơn 11 ngàn tỷ USD của Trung Quốc hay gần 19 ngàn tỷ USD của Mỹ thì còn số vài chục tỷ đô quá nhỏ bé. Nội việc gây chiến của Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc bốc hơi hơn 2000 tỷ USD trong mấy tháng vừa qua. Vậy đằng sau cuộc chiến thương mại này là câu chuyện gì?
(1) Mỹ muốn Trung Quốc hỗn loạn để “buy some time” – có thêm thời gian lấy lại vị trí dẫn đầu trong thị trường công nghệ cao trị giá 12 ngàn tỷ USD
(2) Không còn “củ cà rốt” cho Trung Quốc, Mỹ bắt đầu sử dụng chính sách “cây gậy”
MỸ MUỐN TRUNG QUỐC HỖN LOẠN ĐỂ GIÀNH LẠI VỊ TRÍ DẪN ĐẦU TRONG CUỘC ĐUA CÔNG NGHỆ CAO
Vài ba chục hoặc thậm chí vài trăm tỷ đô có thể là lớn nhưng không thể so sánh với 12 ngàn tỷ đô của ngành công nghệ cao mà Trung Quốc đang nhăm nhe giành phần của Mỹ.
5G chính là ngành công nghệ ngàn tỷ đô nói trên. Mạng 5G có thể phủ sóng toàn thế giới, với tốc độ nhanh chưa từng có, đến nỗi download vài bộ phim chỉ mất mấy giây. Mạng 5G sẽ là yếu tố cốt lõi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, các thành phố thông minh và xe không người lái trong tương lai. Nhưng ai muốn sở hữu công nghệ này sẽ phải đấu giá với một ủy ban giám sát thế giới nghĩa là công ty nào càng có nhiều tiền càng thắng.
Hiện tại các công ty của Trung Quốc ZTE và Huawei đang đi đầu trong công nghệ 5G, vượt mặt các công ty của Mỹ và châu ÂU. Lý do rất đơn giản, các công ty này được sự bảo hộ của chính phủ và độc quyền tại thị trường Trung Quốc. Nói cách khác, các công ty này là đại diện của chính phủ Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ. Ngược lại các công ty của Mỹ phải tự thân vận động, phải tính đến bài toán lợi nhuận và cạnh tranh trước khi đổ tiền vào một cuộc đua công nghệ đắt đỏ.
Vì vậy, muốn làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại”, thì ông Trump phải cầm chân Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ và chính phủ Mỹ phải đóng vai trò nhiều hơn trong việc hỗ trợ các công ty giành được công nghệ 5G. Chiến tranh thương mại nước cờ để Washington cầm chân Trung Quốc trong cuộc chạy đua này vì
(1) Thuế quan khiến các công ty muốn bán hàng qua Mỹ phải chuyển nhà máy về mẫu quốc hoặc các nước khác tạo ra một lỗ hổng lớn trong thị trường việc làm. Xã hội Trung Quốc vốn có rất nhiều bất đồng với chính phủ. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ gây ra nhiều xáo trộn, đào sâu thêm các mâu thuẫn và làm xuất hiện tư tưởng chống đối.
(2) Các lệnh cấm vấn thương mại nhắm đến các công ty công nghệ như ZTE và sắp tới là Huawei làm giảm đi sức mạnh tài chính của các công ty này khiến họ phải tập trung giải quyết khó khăn trước khi tiếp tục cuộc đua công nghệ.
CỦ CÀ RỐT VÀ CÂY GẬY CỦA MỸ DÀNH CHO TRUNG QUỐC
Trong nhiều năm, lập trường chính sách đối ngoại của Mỹ là ủng hộ Trung Quốc. Mỹ chính là nước đề xuất Trung Quốc gia nhập WTO. Mỹ cũng không có những chính sách trực tiếp nào đáp trả việc Trung Quốc thao túng nhân dân tệ. Mục tiêu của Mỹ là tránh xung đột và gieo những ý tưởng về tự do thương mại, tăng trưởng kinh tế và dân chủ cho Trung Quốc. Ngược lại Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận những khái niệm đó. Ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này là duy trì quyền lực độc tôn và sự kiểm soát trong nước. Vì vậy cho đến nay nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thực sự tự do và mở cửa cho các công ty phương Tây.
Thất bại với chính sách ngoại giao “củ cà rốt” với Trung Quốc, Mỹ, đại diện là nhà ngoại giao cứng rắn Donald Trump đang bắt đầu thực hiện chính sách “cây gậy”.
Một mặt Mỹ hạn chế thương mại với Trung Quốc bằng hàng rào thuế quan, mặt khác tham gia tuần tra trên Biển Đông nhằm thị uy và phô diễn sức mạnh quân sự, cũng như giảm sự hung hãn của Trung Quốc trên vùng biển này.
Mới đây Mỹ đã mời 25 nước tập trận RIMPAC tại Hawaii trong đó có Việt Nam. Việc Mỹ hủy lời mời với Trung Quốc và thay Việt Nam vào là một sự cảnh báo với Trung Quốc rằng Mỹ có thể sử dụng các hành động quân sự nếu Trung Quốc khiến căng thẳng leo thang.
ẢNH HƯỞNG CỦA CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI – NGOẠI GIAO MỸ - TRUNG ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
(1) Biến số 1: Thuế suất tăng sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ và Trung Quốc đều giảm sút. Cả hai đều là thị trường xuất khẩu lớn nhất và nhì của Việt Nam. Vậy xuất khẩu của Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào? Tiêu thụ nội địa của Việt Nam vẫn rất yếu, nên xuất khẩu hàng hóa chính là động lực tăng trưởng của Việt Nam. Vậy tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm bao nhiêu phần trăm sau cuộc chiến này.
(2) Biến số 2: Việt Nam có bị vạ lây nếu hàng hóa Trung Quốc “tạm nhập, tái xuất” từ Việt Nam sang Mỹ hay không?
(3) Biến số 3: Tỷ giá USD sẽ tăng bao nhiêu % và khả năng kiểm soát của chính phủ Việt Nam đến đâu? Tỷ giá USD ngày càng tăng do chính sách đồng đô la mạnh để thu hút vốn về mẫu quốc sau khi Trung Quốc và Nga bán tháo trái phiếu Mỹ.
(4) Biến số 4: Sự leo thang căng thẳng và quân sự hóa tại Biển Đông sẽ diễn tiến đến đâu? Trung Quốc có kềm hãm sự hung hăng của mình hay không? Không nhà đầu tư nào muốn để tiền vào một khu vực căng thẳng leo thang. Nếu có thì chiết khấu rủi ro phải rất cao.
Tóm lại, những biến số phát sinh từ sự đối đầu của Mỹ và Trung Quốc khiến cho thị trường chứng khoán ở Việt Nam cũng như các nước mới nổi trở nên khó đoán hơn. Điều này lý giải cho mức độ biến động liên tục và giá trị giao dịch rất mỏng của thị trường vừa qua. Đến chừng nào, các nhà đầu tư lớn có cơ sở dự đoán các biến số nói trên thì khi đó thị trường mới có thể ổn định và đi lên được.
Nguồn: Thảo SSI
Bài viết mang quan điểm của Thao Ta, Văn Khánh không chịu trách nhiệm về những quyết định đầu tư liên quan đến bài viết này.