Thực ra thị trường điều chỉnh hơn 3.7% trong tuần vừa rồi đã giúp P/E trung bình giảm đáng kể từ 22.x xuống còn 21.1x. Đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư giải ngân vào các dòng cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt như bất động sản, ngân hàng và chứng khoán. Sóng tăng 2018 hứa hẹn sẽ không thua kém gì 2017 với những kết quả kinh doanh vượt trội sắp sửa được công bố và lượng tiền khổng lồ sắp vào thị trường đón sóng IPO và thoái vốn.
1. DỰ BÁO XU HƯỚNG TRONG NGÀY – TRONG TUẦN
Kết phiên ngày 16/04/2018, thị trường tiếp tục giảm điểm và phân hóa, tâm lý thận trọng cao bao trùm thị trường. Chỉ số VNindex kết phiên giảm 8.65 điểm còn 1,148.49 điểm tương ứng giảm 0.75%. Do tâm lý thận trọng nên thanh khoản sụt giảm đáng kể, dưới mức trung bình 20 phiên, nếu tính lượng lớn giao dịch thỏa thuận từ MSN, VPB, HDB thì thanh khoản thị trường đạt gần 197 triệu cổ phiếu tương ứng hơn 7,898 tỷ đồng. Trong phiên hôm nay khối ngoại bán ròng 148,48 tỷ đồng, chủ yếu bán ở các cổ phiếu VCB, BID, VJC và tập trung gom hàng HDB, VPI. Thị trường giảm điểm phân hóa, lực cầu vẫn duy trì mạnh giúp một số cổ phiếu vẫn giữ được sắc xanh như MBB, MSN, VIC, HDB,… trong khi đa phần các cổ phiếu còn lại vẫn chìm trong sắc đỏ như BID, VIC, VNM…
Hiện tại, ngưỡng hỗ trợ gần nhất của thị trường là 1130 điểm, đây được xem là ngưỡng hỗ trợ mạnh khi đã được kiểm định nhiều lần. Trong vài phiên tới, thị trường khả năng cao sẽ quay lại kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ này một lần nữa. Nhà đầu tư sử dụng margin thì nên duy trì tỷ lệ margin ở mức an toàn, tận dụng các nhịp điều chỉnh để cơ cấu danh mục sang các cổ phiếu có dòng tiền và cơ bản tốt. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao, có thể quan sát giải ngân tại các cổ phiếu cơ bản tốt tại các ngưỡng hỗ trợ.
2. DANH MỤC CỔ PHIẾU KHUYẾN NGHỊ
3. CẬP NHẬT DOANH NGHIỆP
HDB – NGÂN HÀNG TMCP PHÁT TRIỂN TP.HCM (HOSE)
Tình hình hoạt động kinh doanh
- Kết thúc quý 1, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng đạt 1.045 tỷ đồng, trong đó HDBank rêng lẻ đạt 851 tỷ, tăng 201,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 27,5% kế hoạch 2018. Tổng tài sản HDBank đến 31/3 đạt 181.630 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 79,9% kế hoạch 2018. Tổng huy động đạt 161.156 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ đạt 112.777 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 96% kế hoạch 2018. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,37% trên tổng dư nợ. Trong 3 tháng đầu năm, HDBank đã phát triển thêm hơn 48.504 khách hàng cá nhân, 700 khách hàng doanh nghiệp, tăng 103% so với cuối năm 2017.
- Riêng Công ty Tài chính tiêu dùng HD SAISON đến nay đã phục vụ được 3,4 triệu khách hàng với hơn 13.000 điểm bán hàng và giới thiệu dịch vụ - là công ty có số lượng khách hàng và mạng lưới lớn nhất hiện nay.
- Trước đó ngân hàng cũng công bố kết quả kiểm toán độc lập kết quả hoạt động năm 2017. Theo đó ngân hàng đạt 2.417 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 110% so với năm trước và hoàn thành 186% kế hoạch; tổng tài sản đạt 189.334 tỷ đồng.
Triển vọng doanh nghiệp 2018
- Với kết quả kinh doanh năm 2017 tăng trưởng và vượt kế hoạch năm 2018, HDBank trình cổ đông kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%. Tổng số tiền chia cổ tức là 1.471,5 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức cao gấp đôi cổ tức năm ngoái của HDBank và cũng là mức cổ tức bằng tiền mặt cao nhất được công bố trong hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra, HDBank còn sử dụng nguồn thặng dư vốn cổ phần tích lũy để phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100:20. Như vậy tổng tỷ lệ cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông đợt tới là 35%, cao hơn con số 30% ngân hàng này cam kết với cổ đông trước khi chào sàn.
- Cùng đó, HDBank cũng lên kế hoạch chào bán cổ phiếu cho CBCNV 200 tỷ đồng tương đương 20 triệu cổ phiếu. Tổng cộng, vốn điều lệ của HDBank dự kiến tăng 9.810 tỷ đồng lên 11.972 tỷ đồng. Hơn 2.100 tỷ đồng vốn điều lệ tăng lên sẽ được sử dụng để đầu tư tài sản cố định mà cụ thể là xây trụ sở mở rộng mạng lưới hoạt động, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin cho dự án triển khai Basel II (392,4 tỷ đồng), bổ sung nguồn vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn (1.177,2 tỷ đồng) và góp vốn, đầu tư dài hạn với số tiền 392,4 tỷ đồng.
- Sau năm 2017 tăng trưởng mạnh, HDBank tiếp tục đề ra kế hoạch kinh doanh "táo bạo". Quy mô tài sản dự kiến sẽ tiếp tục tăng 28% lên 242.865 tỷ đồng, tương đương vượt 10 tỷ USD. Dư nợ tín dụng kế hoạch tăng tối đa lên 154.510 tỷ đồng, tương đương 40% nhưng sẽ không vượt quá hạn mức tối đa mà NHNN phê duyệt.Tăng trưởng lợi nhuận mục tiêu đạt gần 63% qua đó dự kiến con số lợi nhuận năm 2018 sẽ vượt 3.900 tỷ đồng. ROE kế hoạch sẽ đạt trên 20%.
- Liên quan đến hoạt động đầu tư của HDBank, HĐQT cũng trình cổ đông ủy quyền quyết định thành lập hoặc mua lại các công ty con, công ty liên kết; đầu tư, mua, bán tài sản của Ngân hàng có giá trị đến 50% vốn điều lệ và được phép thông qua phương án góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác có giá trị đến 50% vốn điều lệ của Ngân hàng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; chuyển nhượng/bán cổ phần liên doanh, liên kết theo quy định pháp luật.
- HDBank cho biết trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, chiến lược phát triển là tập trung vào phát triển khách hàng thông qua Big Data và cung cấp tài trợ chuỗi cung ứng. Với việc đầu tư hệ thống core banking mới trên nền tảng digital banking và hệ thống hàng chục triệu khách hàng của các đối tác lớn như Vietjet, Vinamilk, Saigon Coop, CP…, mục tiêu của HDBank là từ 4,8 triệu khách hàng lên 15 triệu người vào năm 2021.
Ý kiến đầu tư – các nhà phân tích
Theo HSC
- Có những điểm nổi bật như sau trong KQKD Q1/2018 đã công bố. Cho vay khách hàng tăng 28,5% so với cùng kỳ đạt 112,77 nghìn tỷ đồng (tăng 7,91% so với đầu năm) – HDB được NHNN giao hạn mức tính dụng ban đầu là 15% cho năm 2018. Tuy nhiên, nhờ chất lượng tài sản tốt, kế hoạch mở rộng mạnh mẽ mạng lưới và các chương trình cho vay đặ biệt (cho vay lĩnh vực nông nghiệp, hạ tầng nước sạch & dự án liên quan đến vốn ODA), nên tin tưởng rằng về sau HDB sẽ được NHNN giao hạn mức tín dụng cao hơn, khoảng 25% trong năm nay.
- Tiền gửi khách hàng tăng 15,2% so với cùng kỳ đạt 130,03 nghìn tỷ đồng (tăng 7,88% so với đầu năm) – Theo đó hệ số LDR thuần là 87,09% tại thời điểm cuối Q1 (tại thời điểm cuối năm 2017 là 86,7%). HDB sẽ đẩy hệ số LDR tăng hơn nữa nhờ khả năng kiểm soát tốt rủi ro thanh khoản của HDB nói riêng và sự ổn định của thị trường liên ngân hàng nói chung. Điều này sẽ giúp cải thiện được tỷ lệ NIM.
- Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 1,37% (tại thời điểm cuối năm 2017 là 1,52%). HDB có chất lượng tài sản tốt cho dù sở hữu một công ty tài chính tiêu dùng là HD Saison. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất và Ngân hàng mẹ thường được kiểm soát ở mức dưới 2%.
- Trên KQKD Q1 chưa có số liệu về thu nhập lãi thuần, thu nhập ngoài lãi, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng cả tất cả những số liệu này đều khả quan và không có khác biệt lớn đối với kỳ vọng của chúng tôi. Theo đó, LNTT hợp nhất đạt 1.050 tỷ đồng. Trong đó 851 tỷ đồng là LNTT của Ngân hàng mẹ (tăng 201,8% so với cùng kỳ) còn 194 tỷ đồng là LNTT của HD Saison (tăng 82,7% so với cùng kỳ).
- HD Saison cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới của mình lên 13.000 điểm giới thiệu bán hàng (SIP) tính tại thời điểm cuối Q1/2018 so với 10.000 điểm trong năm 2017.
HSC giữ nguyên dự báo LNTT hợp nhất tăng trưởng 63,79% đạt 3.958 tỷ đồng. Theo đó cho năm 2018, BVPS đạt 17.143đ, EPS đạt 2.910đ, ROAE là 19,3% còn ROAA là 1,53%. Mức định giá hiện tại là hoàn toàn hợp lý đối với cổ phiếu HDB – HDB nằm trong top 8 NHCPTM và top 3 công ty tài chính tiêu dùng. Cổ phiếu xứng đáng với mức định giá phản ánh đầy đủ triển vọng tăng trưởng cao hơn mức bình quân ngành trong 3 năm tới.
4. CÂU CHUYỆN THỊ TRƯỜNG
'Lo' chiến tranh thương mại, Trung - Nhật đàm phán kinh tế lần đầu sau 8 năm
Tuy không công khai liên kết với chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự kiện vừa nhắc nhở về tầm quan trọng của Washington và sự phụ thuộc lẫn nhau của Trung - Nhật.
Tokyo hiện đang lâm vào "thế khó" trong bối cảnh Mỹ - Trung xung đột, liên tục có những đòn trừng phạt trị giá hàng chục tỷ USD nhắm vào thương mại của nhau. Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất thì Mỹ vừa là đối tác thương mại lớn thứ 2 vừa là đồng minh quân sự và người bảo trợ an ninh của nước này.
Gần đây, Bắc Kinh đã thay thế Washington trở thành đối tác thương mại số một của hầu hết các nước trong khu vực, thậm chí cả những nước có liên minh quân sự với Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Ngoài ra, cường quốc châu Á còn là một nguồn đầu tư và khách du lịch quan trọng, tạo nên sức ảnh hưởng ngày càng lớn.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước. Ví dụ, mức đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ gấp nhiều lần vào Trung Quốc. Thậm chí, nhiều công ty châu Á vẫn dựa vào thị trường Mỹ bất chấp những căng thẳng gần đây. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng sẽ gặp ông Trump cuối tuần này tại Florida (Mỹ) và dự kiến sẽ nói chuyện về quan hệ thương mại 2 bên. Vì vậy, Nhật Bản sẽ phải tìm cách cân bằng nếu không kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi căng thẳng leo thang.
5. NHỮNG ẢNH HƯỞNG TRỌNG YẾU ĐẾN CÔNG TY, NGÀNH
Triển vọng giá dầu: Bất ổn địa chính trị tiếp tục là động lực chính của giá dầu
Tuần trước, giá dầu tăng mạnh nhất trong 8 tháng trở lại đây do bất ổn địa chính trị giữa Mỹ và Syria. Mặc dù Syria không phải là quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn nhưng bất ổn khu vực Trung Đông lại tạo áp lực lên nguồn cung dầu.
Tại Sàn giao dịch Hàng hóa New York, hợp đồng dầu tháng 5 tăng 32 cent lên 67,4 USD/thùng. Tại Sàn giao dịch Hàng hóa Liên lục địa London, giá dầu Brent tăng 58 cent lên 72,6 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI và dầu Brent tăng lần lượt 8,6% và 8,2%.
Ngoài yếu tố bất ổn địa chính trị, nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và 10 quốc gia khác cũng là động lực thúc đẩy giá dầu. Hôm thứ năm (12/4), OPEC cho biết sản lượng dầu của tổ chức tháng 3 giảm xuống 31,96 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, thông tin số lượng giàn khoan Mỹ tăng 7 giàn lên 815 giàn làm hạn chế đà tăng giá dầu. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác của nước này tăng lên ngưỡng kỷ lục 10,52 triệu thùng/ngày.
Căng thẳng giữa Mỹ và Syria tiếp tục là động lực tăng giá dầu. Thứ sáu tuần trước quân đội Mỹ, Anh và Pháp đã phối hợp mở đợt tấn công nhằm vào các mục tiêu ở Syria, để trả đũa vụ tập kích nghi dùng vũ khí hóa học ở Douma.
Vốn chảy mạnh vào bất động sản
Theo báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bất động sản là ngành có số vốn đăng ký mới nhiều nhất với 1.226 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn gần 79.153 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước (924 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn khoảng 60.000 tỷ đồng) và chiếm 28,4% tổng số vốn các doanh nghiệp thành lập mới chảy vào nền kinh tế trong quý I năm nay. Trung bình, mỗi doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đăng ký số vốn là 65 tỷ đồng.
Số liệu thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho thấy, tính đến năm 2017, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt hơn 471.000 tỷ đồng (hơn 21 tỷ USD).
Trong đó, 3 lĩnh vực có dư nợ tín dụng lớn nhất là cho vay đầu tư, kinh doanh các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở đạt 102.413 tỷ đồng; cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê được khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công đạt 100.083 tỷ đồng; và cho vay kinh doanh khác đạt 112.561 tỷ đồng.