Website đang bảo trì. Vui lòng liên hệ nhà phát triển website để được hỗ trợ.

VIETNAM CHARTBOOK - A comprehensive guide to Vietnam's economy - Năm 2018

Đăng lúc 10:03:42 09/02/2019

Trong bối cảnh thế giới diễn biến rất phức tạp, chính sách điều hành đúng đắn cùng quyết tâm của người dân và doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để đưa Việt nam vượt qua thử thách, hướng tới một lộ trình tăng tốc không xa.

Sau 11 năm, Việt nam đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7%. Bên cạnh con số tăng trưởng GDP trên kỳ vọng, các cân đối vĩ mô cũng được giữ trong tầm kiểm soát. Lạm phát dưới 4%, đồng VND mất giá dưới 3%, xuất siêu kỷ lục 6.8 tỷ USD, mức độ lạc quan của các doanh nghiệp được duy trì ổn định. Song song với các con số tích cực, những tín hiệu cảnh báo trong những tháng cuối năm không thể được bỏ qua. Đó là sự giảm tốc của nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu hàng hóa dịch vụ sang Trung Quốc hay giải ngân vốn đầu tư phát triển...

1. Tăng trưởng GDP quý 4 đạt +7.31%, cao nhất 3 quý, kéo tăng trưởng chung của năm lên +7.08%, cao hơn mục tiêu 6.6%-6.8% và là mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng 2008. Khác với năm 2016 và 2017 khi sản xuất Điện tử chi phối gần như hoàn toàn tăng trưởng công nghiệp, năm 2018 đã xuất hiện nhiều ngành sản xuất tăng trưởng cao bù đắp một phần cho sự sụt giảm của công nghiệp Điện tử, Điện thoại. Xuất khẩu điện thoại cả năm tăng +10.5%, bằng 1/3 tốc độ của năm 2017 và 1/6 quý 1/2018.

2. Chỉ số PMI trong quý 4 biến động rất mạnh. Sau khi giảm sâu trong tháng 9, PMI tháng 10 và 11 tăng mạnh với PMI tháng 11 đạt đỉnh cao nhất từ khi có khảo sát là 56.5 điểm. Xu hướng biến động mạnh của Việt nam rất khác biệt so với các nước trong khu vực.

3. CPI tăng +2.98% so với cuối năm 2017. Cấu thành làm CPI tăng nhiều nhất là giá xăng dầu. Giá xăng E5 trung bình trong năm 2018 là 19.2 nghìn/lít, tăng +11% so với trung bình 2017. Tiếp đến là Y tế, Thực phẩm và giáo dục. Tổng lượng khách du lịch đến Việt nam cả năm đạt 15.5 triệu lượt, tăng +19.9%, thấp hơn 2017 là +29.1% do khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc tăng chậm lại.

4. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng tốc trong quý 4 với mức tăng +12.6% YoY, cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây. Động lực chính đằng sau sự tăng tốc này vẫn là vốn tư nhân, nguồn vốn có tỷ trọng lớn nhất và tăng trưởng cao, đạt +19.9%. Tính từ đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng +11.2% trong đó vốn tư nhân và NSNN tăng +18.5% và +12.5% YoY. Giải ngân vốn FDI trong năm 2018 là 19.1 tỷ USD, tăng +10.9% YoY trong đó riêng tháng 12 giải ngân tăng vọt lên 2.6 tỷ USD, một kỷ lục về giải ngân FDI trong 1 tháng (?)

5. Thu ngân sách quý 4 bất ngờ không tăng mà lại giảm -0.1% khiến tổng thu năm 2018 chỉ tăng +9.6% YoY lên, 1.35 triệu tỷ. Ngược lại, tổng chi ngân sách lại tăng tốc +12.5% kéo tổng chi cả năm lên 1.56 triệu tỷ, tăng +10.5% YoY. Thâm hụt ngân sách năm 2018 vì vậy tăng lên 204 nghìn tỷ (bằng đúng kế hoạch năm). Tỷ lệ thâm hụt ngân sách cả năm là 3.67%, suýt soát chạm mục tiêu năm 2018 là 3.7% (nhờ GDP tăng cao hơn so với kế hoạch)

6. Cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp với giá trị xuất siêu cao kỷ lục đạt 6.8 tỷ USD, trong đó riêng khối FDI xuất siêu 30.1 tỷ USD. Xuất nhập khẩu tuy tăng chậm hơn năm 2017 nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tích cực. Tổng giá trị xuất khẩu tăng 13.2% đạt 243.5 tỷ USD, nhập khẩu tăng 11.1% đạt 236.7 tỷ USD, tổng kim ngạch hai chiều đạt 480 tỷ USD, tương đương 196% GDP. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đi kèm với những biểu hiện ban đầu của suy thoái kinh tế đặc biệt là sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang dần thể hiện ảnh hưởng khi đây là hai đối tác thương mại chính của Việt Nam.

7. Thị trường tiền tệ Việt Nam đã có một năm vượt khó thành công. Tính chung cả năm 2018, VND đã mất giá khoảng 2.2-2.3% so với USD, thấp hơn khá nhiều so với mức mất giá của EUR, GPB và CNY lần lượt là 4.5%, 5.7% và 5.4%. Các công cụ tiền tệ đã được sử dụng rất linh hoạt để kiểm soát tỷ giá. Tăng trưởng tín dụng 2018 ước khoảng 14-15%, thấp hơn nhiều so với 3 năm liền trước. Vốn huy động tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 15%.

8. VN Index đóng cửa phiên cuối tháng 12 tại mức 892.54 điểm, khép lại một năm đầy biến động của TTCK Việt Nam. Chỉ số mất 3.81% giá trị trong tháng cuối năm, tương ứng với mức giảm 9.31% trong cả năm

Chỉ số sản lượng hoạt động sản xuất

Quý 4 cải thiện với nhiều bất ngờ (và bất thường?)

Tăng trưởng GDP quý 4 đạt +7.31%, cao nhất 3 quý, kéo tăng trưởng chung của cả năm lên +7.08%, cao hơn đáng kể mục tiêu 6.6%-6.8% và là mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng 2008. Như vậy là phải mất tới 11 năm, Việt nam mới có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7%, dù đây chưa phải là con số thực sự ấn tượng nếu so với chính Việt nam trong các năm 2003-2005 và so với tốc độ tăng trưởng trên 10% của các quốc gia Châu Á trong giai đoạn chuẩn bị “hóa rồng”.

Cả 3 lĩnh vực Dịch vụ, Công nghiệp & Xây dựng và Nông, lâm, ngư nghiệp đều có quý 4 tích cực, trong đó Dịch vụ đáng chú ý nhất khi tăng +7.6%, cao nhất cả năm. Trong cấu thành của lĩnh vực Dịch vụ, 5 ngành có giá trị lớn nhất (chiếm 70% GDP Dịch vụ) đều cải thiện rõ rệt trong quý 4.

GDP ngành Bán buôn bán lẻ lại gây bất ngờ khi bật tăng lên +8.9% trong quý 4 và kéo cả năm tăng +8.51%. Sở dĩ bất ngờ bởi cả chỉ số lao động cũng như tăng trưởng khách du lịch không ủng hộ cho sự bật tăng này. Chỉ số lao động vào quý cuối năm chỉ tăng +2.6%, mức thấp nhất 7 quý và chỉ nhỉnh hơn so với mức +2.2% vào quý 1/2017, thời điểm sản xuất điện thoại gặp nhiều khó khăn do sự cố Galaxy Note 7. Vào quý 1/2017, GDP Bán buôn bán lẻ tăng +7.38%.

Tăng trưởng khách du lịch quốc tế cũng liên tục giảm với mức tăng của 12 tháng là +11.7% thấp hơn nhiều 6 tháng đầu năm là +23.1%. Sự giảm tốc của khách quốc tế là do 2 thị trường chính Trung Quốc và Hàn Quốc (chiếm 55% tổng lượng khách) đều giảm tốc nhanh. Tháng 12/2018 lượng khách Trung Quốc đến Việt nam giảm -2% YoY trong khi cùng kỳ 2017 tăng tới +91%.

Kinh tế tăng trưởng chậm, đồng CNY mất giá đã ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch của người Trung Quốc trong khi làn sóng đầu tư FDI hạ nhiệt là nguyên nhân làm giảm tốc khách Hàn Quốc. Với lượng khách quốc tế tăng chậm lại, cũng là khó hiểu khi GDP Lưu trú, ăn uống tăng +9% trong quý 4, gấp 2 lần tăng trưởng của quý 3. Với lĩnh vực Công nghiệp & Xây dựng, Công nghiệp chế biến chế tạo đã quay trở lại với vai trò dẫn dắt cùng với sự hỗ trợ của Xây dựng. GDP Công nghiệp chế biến chế tạo quý 4 tăng +13.7%, chỉ thấp hơn một chút mức tăng +13.9% của quý 1, thời kỳ đỉnh cao của sản xuất điện thoại điện tử. Như báo cáo các tháng trước chúng tôi đã đề cập, sự vươn lên của Công nghiệp chế biến chế tạo trong nửa cuối năm đến từ nhiều yếu tố, từ chính sách bảo hộ, khả năng tận dụng thời cơ cho đến cả may mắn. Ở chiều ngược lại, sản xuất Điện thoại chưa có dấu hiệu hồi phục. Xuất khẩu điện thoại cả năm tăng +10.5%, bằng 1/3 tốc độ của năm 2017 và 1/6 quý 1/2018.

Lĩnh vực Nông, Lâm, Ngư nghiệp khởi sắc chủ yếu do Nông nghiệp với sự phục hồi lên +2.9% sau khi đã giảm xuống +1.9% trong quý 3. Nông nghiệp bị cây lúa chi phối nên sự tăng giảm sản lượng cũng như giá lúa đều có ảnh hưởng lớn đến toàn ngành. Năm 2018 là một năm tích cực nhờ thời tiết thuận lợi và Việt nam đấu thầu thành công nhiều hợp đồng xuất khẩu, giúp duy trì giá lúa ở mức cao. Giá lúa trung bình trong năm 2018 cao hơn so với năm 2017 ~14% trong khi sản lượng lúa tăng +2.9%. Định hướng dịch chuyển sang các giống lúa chất lượng cao cũng mang lại kết quả. Xuất khẩu gạo về lượng chỉ tăng +4.6% nhưng giá trị tăng tới +16%. Dẫu tích cực, xu hướng giảm tốc của xuất khẩu gạo và giá lúa những tháng cuối năm cũng đặt câu hỏi về sự hồi phục mạnh của GDP Nông nghiệp trong quý 4

Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính dù Điện thoại giảm sút

Tăng trưởng GDP tăng thấp trong quý 2 và quý 3 do sự giảm tốc của ngành sản xuất Điện tử, Điện thoại mà cụ thể là Samsung giảm sản lượng. Tuy vậy khác với năm 2016 và 2017 khi sản xuất Điện tử chi phối gần như hoàn toàn tăng trưởng công nghiệp, năm 2018 đã xuất hiện nhiều ngành sản xuất tăng trưởng cao bù đắp một phần cho sự sụt giảm của Samsung.

Dầu mỏ tinh chế (+65.5%) là ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao vượt trội so với ngành đứng thứ 2. Có được điều này hoàn toàn là nhờ vào nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất từ tháng 6/2018. Đây có thể coi là một “may mắn” của năm 2018 bởi theo kế hoạch nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có thể vận hành thương mại từ giữa năm 2017.Câu chuyện lọc hóa dầu Nghi Sơn gợi lại trường hợp của Formosa năm 2017 khi nhà máy này hoạt động cũng đã mang lại tăng trưởng đột biến cho ngành sản xuất kim loại, từ đó kéo ngành công nghiệp nói chung.

Năm 2018, sản xuất kim loại duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ một số nhà máy lớn tăng công suất. Bên cạnh đó thị trường xuất khẩu cũng rất thuận lợi với xuất khẩu sắt thép trong năm 2018 tăng +45% (năm 2017 tăng +55%). Nhìn sâu hơn, có 3 yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng ngành thép là: (i) các biện pháp chống bán phá giá với thép nhập khẩu, (ii) cơ hội thị trường mở ra khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng và (iii) quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp Việt nam đã kịp thời đầu tư gia tăng công suất. Cũng là câu chuyện nhanh nhạy tận dụng cơ hội thị trường, ngành Dệt, May đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng. Xuất khẩu dệt may vì vậy tăng tốc và đạt +16.6%, cao nhất 4 năm trong đó riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng +37%.

Mặt hàng nội thất (giường, tủ, bàn, ghế) cũng là một điểm sáng khi tăng trưởng liên tục cải thiện và đạt +13.7%, mức cao nhất nhiều năm. Tăng trưởng xuất khẩu gỗ và đồ gỗ có xu hướng tăng dần về các tháng cuối năm và cả năm đạt +15%, mức cao nhất 5 năm. Ngoài lợi thế nhân công giá rẻ, ngành sản xuất nội thất và đồ gỗ Việt nam rất có thể đang được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại và làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc. Dẫu nhiều ngành tăng trưởng tích cực, sự sụt giảm của Điện tử, Điện thoại vẫn sẽ là rủi ro chính cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Nhập khẩu linh kiện điện thoại tháng 12/2018 giảm -15.2% YoY (tháng 12/2017 tăng +86%) báo trước một chu kỳ sản xuất kém tích cực đầu năm 2019. Thị trường điện thoại bão hòa và dịch chuyển một phần sản xuất sang Ấn độ sẽ làm sản lượng của Samsung tăng thấp, thậm chí có thể giảm do nền cao của năm 2018, đặc biệt là quý 1.

Bù đắp một phần cho sự giảm sút này, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ hoạt động cả năm 2019, do đó nửa đầu năm 2019 ngành Dầu mỏ tinh chế sẽ có tăng trưởng tương tự nửa cuối năm 2018. Một số nhà máy sản xuất kim loại và xe có động cơ quy mô lớn của các doanh nghiệp Việt nam khánh thành trong nửa cuối năm cũng hứa hẹn sẽ mang lại tăng trưởng cao.

Chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp

Theo khảo sát của TCTK Việt nam thực hiện hàng quý, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt nam tiếp tục xu hướng ổn định trong quý 4 với một cái nhìn tương đối lạc quan cho đầu năm 2019. Số doanh nghiệp đánh giá quý 4 khả quan so với quý 3 là 44.7%, xấp xỉ bằng quý 4/2017 (44.8%) trong khi tỷ lệ đánh giá quý 4 khó khăn hơn quý 3 là 16.9%, là quý 4 thấp nhất trong 3 năm khảo sát.

Nhìn sang quý 1/2019, tỷ lệ lạc quan là 47.3%, thấp hơn so với quý 4/2017 (48.2%) tuy vậy điểm tích cực là tỷ lệ dự báo khó khăn cũng giảm xuống 14.9%, mức thấp nhất 3 năm khảo sát. Chỉ số PMI trong quý 4 biến động rất mạnh. Sau khi giảm sâu trong tháng 9, PMI tháng 10 và 11 tăng mạnh với PMI tháng 11 đạt đỉnh cao nhất từ khi có khảo sát là 56.5 điểm. Xu hướng biến động mạnh của Việt nam rất khác biệt so với các nước trong khu vực. Trung Quốc, Đài Loan và Singapore liên tục giảm dần từ giữa năm, thời điểm bắt đầu nổ ra chiến tranh thương mại. Hàn Quốc và Malaysia cũng biến động mạnh nhưng lại theo hướng ngược chiều với Việt nam và kết thúc năm ở mức dưới 50 (thể hiện xu hướng thu hẹp sản xuất). Với xu hướng PMI như vậy có thể có nhận định Việt nam ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại nhưng nhận định này là trái ngược với xu hướng thực tế xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt nam sang Trung Quốc.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý 4 có cải thiện chút ít so với 9 tháng đầu năm với mức tăng +5.4% YoY (9 tháng tăng +2.8% YoY), tuy vậy tính chung cả năm 2018, mức tăng +3.5% vẫn rất thấp so với 2 năm 2016 và 2017 (+16.2% và +15.2%). Ngược lại, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng mạnh +49.7% (2 năm trước giảm -15% và - 0.2%), một phần do việc rà soát hoạt động chặt chẽ hơn của cơ quan nhà nước. Ở phía tích cực, trung bình vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập tháng 12 tăng mạnh lên 24 tỷ đồng/doanh nghiệp, một kỷ lục sẽ khó có thể vượt qua.

ĐỂ ĐỌC TOÀN BỘ BÁO CÁO NĐT CÓ THỂ TẢI VỀ ĐỌC: TẠI ĐÂY!

( NGUỒN: SSI Research )

 

LIÊN HỆ: MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN - CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH - QUỸ MỞ - TRÁI PHIẾU DN

Họ và tênNGUYỄN VĂN KHÁNH

F/zalo/viber: 0917.85.53.53 ( để tham gia room tư vấn)
Mail: dautuchienluoc88@gmail.com or Khanhnv@ssi.com.vn
Skype: Khanh.nguyen000669