Thị trường tiền tệ
Một tháng đầy biến động, rủi ro gia tăng trên phạm vi toàn cầu
Sau vài tháng tạm lắng và phát đi tín hiệu khả quan, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bất ngờ bị thổi bùng sau khi Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% vào 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10/5 và đe dọa tiếp tục đánh thuế 25% vào 325 tỷ USD hàng hóa còn lại nếu không sớm đạt thỏa thuận. Đáp lại, Trung Quốc cũng đã áp đặt gói thuế mới lên 60 tỷ hàng hóa Mỹ từ 1/6. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại, một loạt các công ty công nghệ của Mỹ cũng ngừng giao dịch với Huawei - biểu tượng công nghệ của Trung Quốc. Không chỉ Trung Quốc, Mexico và Ấn Độ cũng rơi vào “chiến dịch” tăng thuế của Tổng thống Mỹ với tuyên bố xóa bỏ ưu đãi thuế quan GSP với Ấn Độ từ 5/6 và áp thuế 5% lên toàn bộ hàng hóa Mexico từ 10/6.
Sự bế tắc và chia rẽ trong lòng Châu Âu cũng trở lên trầm trọng hơn trong tháng vừa qua sau quyết định từ chức của Thủ tướng Anh và kết quả bầu cử Nghị viện Châu Âu với sự nổi lên của các đảng cực hữu. Chỉ số sản xuất PMI tháng 5 của EU và Đức tiếp tục sụt giảm xuống 47.7 và 44.3, đánh dấu 4 tháng liên tiếp giảm dưới 50 điểm.
Rủi ro gia tăng đã tác động mạnh đến thị trường tài chính tiền tệ. Trong số các đồng tiền chủ chốt, top 3 mất giá nhiều nhất so với USD là GBP, CNY và KRW với mức giảm tương ứng là -3.1%; -2.53% và -2.1% MoM. Trong khi đó, các đồng tiền trú ẩn như JPY và CHF tăng giá lần lượt là +2.8% và +1.8% MoM. Dòng tiền cũng dịch chuyển mạnh sang kênh trái phiếu khiến lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ, Đức, Nhật, Anh, Úc đều đồng loạt giảm mạnh. Kết thúc tháng 5, lợi tức TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm đáy 21 tháng, ở mức 2.125%/năm, đường cong lợi tức bị đảo ngược khi lợi tức kỳ hạn 3 tháng đã cao hơn các kỳ hạn 10 năm trở xuống – một chỉ báo khá chính xác trước các đợt suy thoái trong hơn 60 năm qua.
Ở phía tích cực, các chỉ báo kinh tế quý 1/2019 của Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản vẫn khá khả quan và cục diện chiến tranh thương mại có thể thay đổi nhanh nếu các bên thay đổi quan điểm nên việc có xảy ra suy thoái kinh tế hay không vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, giới quan sát ngày càng đồng thuận về khả năng thay đổi chính sách của FED. Xác suất FED cắt giảm lãi suất trong năm 2019 hiện đã lên tới 98% trong đó có 80% cho rằng sẽ cắt giảm tới 2 lần (theo CME) vì rủi ro tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ và chỉ số lạm phát hiện cách khá xa lạm phát mục tiêu 2%.
Tỷ giá USD/VND tạo sóng đầu tiên kể từ đầu năm
Chịu tác động của diễn biến quốc tế, tỷ giá giao dịch USD/VND tháng qua dao động khá mạnh, kết thúc tháng tăng thêm 130đ/USD ở chiều mua vào và 150đ/USD ở chiều bán ra trên ngân hàng, lên mức 23.360/23.480; và tăng thêm 90đ/USD trên thị trường tự do lên mức 23.415/23.430. Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng, VND đã giảm giá -0.6% so với USD, một biến động tương đối lớn sau 4 tháng ổn định nhưng vẫn ít hơn sự mất giá của hầu hết các đồng tiền trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Philippines…
Trong tháng 5, tỷ giá trung tâm cũng tăng thêm 37đ/USD, tương đương +0.16% MoM. Khác với diễn biến đi ngang trong gần 4 tháng đầu năm và bật tăng từ cuối tháng 4 đến nay của tỷ giá giao dịch, tỷ giá trung tâm đã liên tục tăng từ đầu năm, mức tăng tổng cộng là +1.05%, đảm bảo biên độ đủ rộng cho biến động tỷ giá. Qua đó thể hiện sự chủ động của NHNN trong việc điều hành tỷ giá khi thị trường chịu tác động bởi các yếu tố khó lường từ bên ngoài.
Một diễn biến đáng chú ý khác là việc Việt Nam lọt vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát của Mỹ cùng với 8 quốc gia khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ailen, Singapore, Malaysia nhưng hiện chưa có nước nào bị coi là thao túng tiền tệ. Việc Mỹ hạ các tiêu chuẩn đã mở rộng danh sách các nước thuộc diện giám sát. Cụ thể, Mỹ hạ tiêu chí thặng dư cán cân thanh toán >2% GDP (thay vì 3% như trước đây) và tiêu chí mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6/12 tháng (thay vì 8/12 tháng như trước đây).
Ngoại trừ Trung Quốc chỉ chạm 1 tiêu chí, Việt Nam và 7 nước còn lại đều chạm 2 tiêu chí về thặng dư cán cân thương mại và cán cân thanh toán hiện thời. Khả năng Việt Nam bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ trong lần rà soát tới là rất thấp do nguồn cung USD trong nước không còn dồi dào như trước dẫn đến khó có thể liên tục mua vào USD cho dự trữ ngoại hối. Thị trường tài chính tiền tệ vì vậy sẽ không bị tác động bởi câu chuyện thao túng tiền tệ, ít nhất là trong năm nay.
Lãi suất ổn định trên thị trường 1 và giảm trên thị trường 2
Trong tháng 5, tín phiếu vẫn là kênh hoạt động chính với 203 nghìn tỷ phát hành kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 3%/năm và 180 nghìn tỷ đáo hạn. Kênh OMO chỉ có 613 tỷ phát hành và 821 tỷ đến hạn. Tính chung lại, NHNN đã hút ròng 35.1 nghìn tỷ trong cả tháng 5. Tuy nhiên, thanh khoản dồi dào trên liên ngân hàng khiến cho lãi suất liên ngân hàng giảm dần, lãi suất kỳ hạn qua đêm giảm từ mức 3.6%/năm vào đầu tháng xuống 2.87% vào ngày 30/5/2019 - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018 đến nay. Chênh lệch lãi suất VND-USD hiện đã xuống tương đối thấp, 0.6%/năm với kỳ hạn qua đêm.
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá từ diễn biến quốc tế đang gia tăng, việc duy trì ổn định lãi suất trên liên ngân hàng để đảm bảo chênh lệch lãi suất VND-USD thực dương sẽ là yếu tố quan trọng để bình ổn thị trường ngoại hối. Chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng lãi suất VND trên LNH sẽ được giữ trong vùng 3.3-3.5%/năm để đảm bảo lớn hơn lãi suất USD khoảng 0.8-1%/năm.
Đối với thị trường 1, lãi suất huy động vẫn khá ổn định ở mức 4.1%- 5.5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5.5-7.45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng. Tuy nhiên, kỳ hạn 12,13 tháng ghi nhận sự điều chỉnh trái chiều ở các ngân hàng, có một số ngân hàng lớn điều chỉnh giảm từ 30-40bps nhưng cũng có ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 20-30bps, mức lãi suất hiện tại khác biệt khá nhiều giữa các ngân hàng, dao động trong vùng 6.4%-7.8%/năm. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm lãi suất huy động ổn định ở mức hiện tại vì các NHTM cần đảm bảo đủ nguồn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh phải cạnh tranh với các kênh đầu từ khác đang phát triển nhanh (trái phiếu, chứng chỉ quỹ…) và nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%. Việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất tốt hơn sẽ là cơ sở để các NHTM có thể duy trì được mặt bằng lãi suất huy động hiện tại mà không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận.
Đối với lãi suất cho vay, mặc dù lãi suất huy động bắt đầu tăng và thiết lập mặt bằng mới gần 6 tháng nay nhưng lãi suất cho vay với sản xuất kinh doanh vẫn tương đối ổn định, chưa kể còn có một số gói vay ưu đãi với một số ngành nghề nhất định ở các ngân hàng lớn. Kế hoạch lợi nhuận 2019 của 17 ngân hàng niêm yết chỉ tăng 18% so với 2018, thấp hơn nhiều mức tăng 31% của năm 2018 trong khi số ngân hàng đã đạt hoặc đặt mục tiêu chuẩn Basel II tăng lên cho thấy các NHTM đã chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững thay vì chạy theo tăng trưởng ngắn hạn. Việc mở rộng nguồn thu, thay đổi cấu trúc khách hàng, quản lý chi phí hiệu quả… sẽ được ưu tiên lựa chọn thay vì tăng lãi suất cho vay.
Thị trường trái phiếu
Lợi tức TPCP giảm trên cả sơ cấp và thứ cấp
Trong tháng 5, KBNN gọi thầu tổng cộng 17 nghìn tỷ đồng, giảm 8% so với tháng trước. Tính chung 02 tháng đầu quý 2/2019, KBNN chỉ gọi thầu 35.5 nghìn tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ 2018 và chỉ bằng 40% lượng gọi thầu của quý 1/2019. Có 11.936 tỷ đồng TPCP được phát hành (-5% MoM) trong tháng 5, tỷ lệ trúng thầu trên tổng lượng gọi thầu là 70%.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm giữ nguyên ở mức 3.7%/năm và kỳ hạn 30 năm tăng 3bps lên 5.88%/năm nhưng lượng trúng thầu 2 kỳ hạn này không nhiều. 89% TPCP phát hành trong tháng là ở các kỳ hạn từ 10, 15 và 20 năm với lãi suất trúng thầu giảm 1-3bps, hiện ở mức 4.69%, 5.04% và 5.68%/năm.
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2019, có tổng cộng 93.981 tỷ đồng TPCP được phát hành, tăng +63% YoY và đạt 36% kế hoạch năm 2019. Lượng TPCP đáo hạn trong 5 tháng đầu 2019 lên tới 81.7 nghìn tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2018 nên lượng phát hành ròng chỉ là 12.3 nghỉn tỷ đồng, giảm -60% YoY.
Mặc dù 2 kỳ hạn 10 và 15 năm vẫn chiếm chủ yếu nhưng tháng 5/2019 có 3.500 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20, 30 năm được phát hành; đây là mức cao nhất theo tháng trong vòng 1 năm trở lại đây. Kỳ hạn trúng thầu bình quân 5 tháng đầu năm là 12.7 năm, của riêng tháng 5 là 15.6 năm. TPCP kỳ hạn trên 15 năm thường là tài sản đầu tư ưa thích của các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư.
Lợi tức trên thị trường thứ cấp diễn biến cùng chiều với thị trường sơ cấp khi giảm từ 1-6bps ở tất cả các kỳ hạn trong đó mạnh nhất là ở kỷ hạn 5 năm. Hiện lợi tức các kỳ hạn 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm lần lượt ở mức 3.14%, 3.55%, 3.8%, 4.7% và 5.05%/năm.
Tổng giá trị giao dịch tháng 5/2019 là 176.3 nghìn tỷ đồng, tương đương với tháng trước nhưng giá trị giao dịch bình quân là 8.014 tỷ đồng/phiên, thấp hơn 9% so với các phiên giao dịch trong tháng 4. Trong đó, khối ngoại có tháng thứ 7 mua ròng liên tiếp với giá trị mua tròng trong tháng 5 là 1.236 tỷ đồng, tăng mạnh so với 48 tỷ đồng của tháng 4/2019. Nếu như tổng giá trị mua ròng cả năm 2018 chỉ là 207 tỷ đồng thì trong 5 tháng đầu năm 2019, NĐTNN đã mua ròng lên tới 7.836 tỷ đồng TPCP.
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán tháng 5 thiếu đi các thông tin vĩ mô hỗ trợ trong khi phải chịu nhiều áp lực từ rủi ro bên ngoài. Xu hướng điều chỉnh của thị trường đến từ: (1) Căng thẳng thương mại leo thang, ảnh hưởng tới vận động của TTCK toàn cầu; (2) Khối ngoại bán ròng kênh khớp lệnh sau 4 tháng mua ròng liên tiếp; và (3) Giao dịch tái cơ cấu của các quỹ ETF tạo ra tâm lý giao dịch thận trọng của giới đầu tư.
Căng thẳng thương mại gia tăng cùng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đã khiến các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới giảm điểm. Shanghai Composite và S&P 500 điều chỉnh lần lượt -5.8% MoM và -6.6% MoM. VNIndex không nằm ngoài xu hướng chung khi có phiên giảm mạnh nhất tháng, -1.66% ngay sau tuyên bố của Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Giao dịch của khối ngoại đảo chiều trong tháng 5. Tính riêng kênh khớp lệnh, NĐTNN bán ròng 1.86 nghìn tỷ đồng trên toàn thị trường trong khi mua ròng 872 tỷ đồng trong tháng liền trước. Sau giai đoạn mua ròng liên tục từ tháng 12/2018 đến hết tháng 2/2019, dấu hiệu chững lại của khối ngoại đã bắt đầu xuất hiện vào tháng 3 khi giá trị bán của nhóm này tăng 40.6% MoM trong khi giá trị mua chỉ tăng 19.8%. Tháng 5 xác nhận xu hướng chốt lời của khối ngọai khi nhóm này giảm nhẹ chiều mua đồng thời gia tăng chiều bán thêm 45.2%.
Trên sàn HOSE, giá trị bán ròng là 1.56 nghìn tỷ đồng trên khớp lệnh trong khi xu hướng mua ròng vẫn được duy trì nếu tính thêm các giao dịch thỏa thuận.
Giao dịch của ETF. Một số quỹ ETF thực hiện điều chỉnh theo danh mục mới của VN30 trong phiên 03/05 trong khi iShares ETF thực hiện cơ cấu trong ngày 28/05 sau khi MSCI thay đổi cổ phiếu thành phần của MSCI Frontier Market Index. Thông thường, các kỳ cơ cấu ETF kéo theo biến động của các cổ phiếu vốn hóa lớn, qua đó ảnh hưởng đến chỉ số, điều này tạo ra tâm lý giao dịch thận trọng của nhà đầu tư.
Ví dụ chứng minh cho xu hướng trên là phiên 28/05, VN Index đảo chiều, rơi về vùng điều chỉnh sau phiên ATC do ảnh hưởng từ giao dịch cơ cấu của iShares ETF
Xu hướng này có thể tiếp tục ảnh hưởng tới giao dịch thị trường trong giai đoạn đầu tháng 6 khi FTSE ETF và Van Eck ETF cơ cấu theo danh mục mới của FTSE Vietnam Index và MVIS Vietnam Index, lần lượt được công bố vào ngày 07/06 và 14/06.
Rủi ro gia tăng ảnh hưởng tới của thanh khoản thị trường cơ sở. Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 4.7 nghìn tỷ đồng /phiên. Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận của VHM và VIC (3 nghìn tỷ đồng và 5.82 nghìn tỷ đồng), thanh khoản trug bình của thị trường là 4.31 nghìn tỷ đồng/phiên, chỉ tăng nhẹ so với mức 4.27 nghìn tỷ đồng trong tháng 4, đồng thời thấp hơn đáng kể so với nền giao dịch trên 5.7 nghìn tỷ đồng trong tháng 2 và tháng 3.
Những thông tin tác động tích cực tới thị trường trở nên mờ nhạt khi mùa công bố KQKD quý 1/2019 đã qua đi. Thiếu đi động lực hỗ trợ, VN Index và VN30 Index điều chỉnh lần lượt -1.46% và -1.6% so với thời điểm cuối tháng 4, về ngưỡng 959.88 điểm và 876.29 điểm.
Điểm nhấn trong vận động của VN Index tháng 5 là chuỗi hồi phục 7 phiên liên tiếp, xen giữa hai nhịp điều chỉnh của chỉ số, nhờ các trụ cột VIC, VHM, GAS, VNM, SAB luân phiên nâng đỡ thị trường.
SAB đóng góp lớn nhất theo chiều tăng của VN Index. Cổ phiếu tăng thêm 11.62% MoM sau khi doanh nghiệp công bố tăng trưởng DTT quý đầu năm đạt 19.55% YoY, cao hơn mức tăng 4.62% của cùng kỳ 2018. Ở chiều ngược lại, chỉ số chịu ảnh hưởng từ mức điều chỉnh của VHM (-10.87% MoM).
Nguồn: SSI Research
LIÊN HỆ: MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN - CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH - QUỸ MỞ - TRÁI PHIẾU DN
THÔNG TIN LIÊN HỆ TEAM 3 - CÁCH MẠNG THÁNG 8 |
|||
STT | Họ và tên | Số Điện Thoại | chức vụ |
1 | Nguyễn Văn Khánh | 0917.85.53.53 | Trưởng phòng MG |
2 | Nguyễn Thành Nam | 0908.112.124 | Chuyên viên tư vấn đầu tư Bậc 2 |
3 | Phan Thị Thanh Cảnh | 0933.766.685 | Chuyên viên tư vấn đầu tư Bậc 2 |
4 | Dương Công Lâm | 0963.902.297 | Chuyên viên tư vấn đầu tư Bậc 2 |
5 | Nguyễn Xuân Đại | 0965.760.070 | Chuyên viên tư vấn đầu tư |
6 | Bùi Công Danh | 0977.070.609 | Chuyên viên tư vấn đầu tư |
7 | Nguyễn Thị Huỳnh Như | 0908.264.119 | Chuyên viên tư vấn đầu tư |
8 | Dương Thu Hiền | 0961.537.897 | Chuyên viên tư vấn đầu tư |
9 | Nguyễn Trần Cẩm Tú | 0385.269.697 | Chuyên viên tư vấn đầu tư |
10 | Hà Thị Ngọc Quỳnh | 0963.238.654 | Chuyên viên tư vấn đầu tư |
11 | Phạm Tuấn VIệt | 0909.255.775 | Chuyên viên tư vấn đầu tư |
12 | Lê Hà Mỹ Ngọc | 0923.468.333 | Chuyên viên tư vấn đầu tư |
13 | Trần Thị Uyên Thy | 0945.607.560 | Chuyên viên tư vấn đầu tư |
14 | Hoàng Thị Thu Hiền | 0984.918.008 | Chuyên viên tư vấn đầu tư |